Có rất nhiều cách sắp xếp bố cục bể thủy sinh dựa trên các điểm nhấn của đá và gỗ lũa, màu sắc của cây cối. Tuy nhiên, qua hàng ngàn năm người ta đã sáng tạo và đúc kết được một kiến thức chung về thẩm mỹ (bài viết này dựa trên quan niệm thẩm mỹ phương Tây). Có hai yếu tố mà tôi thấy rất hữu dụng trong vấn đề này.
1) Tiêu điểm
Khái niệm tiêu điểm rất phổ biến trong lãnh vực nghệ thuật. Nó là trọng tâm mà người sáng tạo mong muốn truyền tải. Một thiết kế vĩ đại chỉ có một tiêu điểm. Những phần khác chỉ là thứ yếu. Quá nhiều tiêu điểm sẽ khiến cho người quan sát rất khó khăn, và vô hình trung không nắm bắt được thông điệp của tác phẩm. Trong bố cục thủy sinh, tiêu điểm có thể được tạo ra bằng lũa, đá và thậm chí cả màu sắc. Cách trình bày, thế cây thủy sinh, kích thước và tỷ lệ của chúng, tất cả đều góp phần vào việc truyền tải tiêu điểm.
Do vậy, trước khi thực hiện bố cục, tôi cố gắng xác định chủ đề mà mình muốn trình bày. Chủ đề phải hình thành trước khi thu thập những chất liệu cần thiết. Nếu bạn xây dựng nó trong thời gian thu thập chất liệu, sản phẩm cuối cùng thường không đạt như ý. Một nghệ nhân giàu kinh nghiệm thường xác định được bố cục sẽ trông như thế nào trước và sau khi thực hiện. Thậm chí một số người còn vẽ một cách chi tiết tác phẩm của mình trước khi trình bày. Kinh nghiệm và năng khiếu sẽ giúp họ thể hiện ý tưởng của mình lên bố cục bể thủy sinh. Nhiều người thường thể hiện tất cả ý tưởng vào một bể khiến bố cục rất rối rắm, như thể không có một chủ đề chính nào.
2) Tỷ lệ vàng
Tỷ lệ vàng là một hằng số toán học lâu đời. Nó chứa đựng yếu tố thu hút mà thậm chí công nghệ và lý thuyết toán học ngày nay cũng không dễ gì lý giải được. Mục đích của tỷ lệ vàng là hướng tới tỷ lệ thẩm mỹ tối ưu.
Trong bố cục bể thủy sinh, kết cấu (composition) là yếu tố quyết định. Kết cấu là thuật ngữ dùng vào mục đích cảm thụ nghệ thuật. Để thể hiện chủ đề cũng như vẻ đẹp của bố cục, một không gian chọn sẵn sắp đặt đá, lũa, và/hay cây cũng như những thành phần liên quan trong hồ, tất cả góp phần tạo nên tổng thể của của bể thủy sinh.
Tỷ lệ vàng là kỹ thuật được áp dụng trong nghệ thuật sáng tác. Cơ bản, nó chia một đoạn ra làm hai phần. Chẳng hạn, chia đoạn AB thành AC và CB. Tỷ lệ AC/AB bằng với CB/AC. Lập công thức tính toán ta sẽ thu được tỷ lệ này là 1/1.618.
Mọi người hẳn bối rối với những con số trên. Có phải dùng đến bàn tính để tính toán bố cục? Trên thực tế, khái niệm này chỉ mang tính tương đối. Chẳng hạn, 2/3, 3/5, 5/8, 8/13, 13/21,…
Từ rất lâu, một khái niệm tương tự cũng xuất hiện ở Trung Hoa và được gọi là “Cửu Cung”. Nó tương đồng một cách đáng ngạc nhiên với tỷ lệ vàng. Sử dụng 4 đoạn để chia một hình vuông thành 9 ô, người ta có thể thấy điều gì đó gần giống với tỷ lệ vàng.
Người ta phát hiện rằng giao điểm của các đoạn này chính là nơi mà trực quan hình ảnh sâu sắc nhất. Trong nhiếp ảnh, bốn điểm này được gọi là các “trọng điểm” (interesting point).
Trong bố cục bể thủy sinh, chúng ta có thể đặt tiêu điểm vào một trong bốn trọng điểm ở trên. Một số người không hề biết khái niệm này, tuy nhiên họ vẫn có khả năng tạo dựng một bố cục xinh đẹp. Điều này có lẽ nhờ vào khả năng trực quan bẩm sinh. Một người có thể chọn vị trí và đặt thứ gì vào đó. Một khi người đó cảm thấy “ổn” thì nó rất gần với tỷ lệ vàng. Bạn có tin không? Hãy tự kiểm chứng nhé. Rồi cũng có người cố gắng mãi trong vô vọng. Dù họ xoay trở cách nào trông vẫn không ổn, bởi vì nó không thỏa mãn tỷ lệ vàng. Có khó tin không? Bạn có thể kiểm chứng bằng việc vẽ ra “Cửu Cung” của riêng mình.
Áp dụng Cửu Cung và xác định vị trí của tiêu điểm.
Ảnh hưởng kỳ diệu của Cửu Cung vẫn hiện diện thậm chí cả ở vùng giữa của những bố cục rậm rạp.