KIẾN THỨC

Cá Lóc Vẩy Rồng – Những vị vua của dòng cá Lóc cảnh

Cá Lóc Vẩy Rồng là một trong những dòng cá Lóc quan trọng bậc nhất trong thú chơi cá Lóc cảnh. Tại Việt Nam, có 2 dòng cá lóc vẩy rồng đắt đỏ thường được nhập về là cá Lóc Vẩy Rồng Vàng và Cá Lóc Vẩy Rồng Đỏ. Để nuôi được một con Lóc Vẩy Rồng lên Hoa (vẩy rồng) đẹp và đầy đủ luôn là mơ ước và thách thức của mọi người chơi cá Lóc. Thái Hoà Aquarium xin giới thiệu tới người chơi những thông tin hữu ích về dòng cá cảnh này.

Tổng quan về cá Lóc

Hình ảnh. Cá Lóc là một trong những dòng cá cảnh được yêu thích trên thế giới
Cá Lóc là một trong những dòng cá cảnh được yêu thích trên thế giới

Cá lóc hay ở nhiều nước phương tây còn gọi là cá đầu rắn (snakehead fish)  là dòng cá săn mồi nguyên thủy và thành viên của dòng họ cá quả. Chúng thuộc bộ cá vược (cá rô), những nghiên cứu gần đây các nhà khoa học dựa trên những phân tử, tế bào trong sự phát sinh chủng học của những dòng cá có xương sống thì họ cân nhắc loài cá đầu rắn có mối liên hệ chủ yếu với cá sặc và nhánh lươn.
Chi cá lóc bao gồm 31 loại khác nhau và chủ yếu có nguồn gốc trải dài xuyên suốt ở lục địa Châu Á từ phía Đông Nam của Iran và phía Đông của Áp-ga-ni-xtan tới Pakistan, Ấn Độ, Nam Nê-pan, Băng-la-đét, Myanmar, Thái Lan, Lào, Ma-lay-xi-a, Sumatra, Indonesia, Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc lên đến phía Bắc của Siberia.
Một vài loài có liên hệ thân thiết với dòng cá lóc còn có nguồn gốc từ Châu Phi
Hình ảnh sự phân bố của các dòng cá lóc cảnh
*Màu vàng: sự phân bổ của chi cá lọc ở Châu Á * Màu cam: sự phân bổ của chi cá lọc ở Châu Phi

Ngoài đa dạng về giống loài thì cá lóc còn rất đa dạng về kích thước. Thuật ngữ “cá lóc lùn” được những người chơi cá cảnh đặt cho nhóm giống cá lóc chỉ phát triển chiều dài tối đa là 25cm ví dụ như cá lóc cầu vồng, cá lóc cầu vồng vây xanh, cá lóc tích lan,…Những loài cá này phù hợp với việc nuôi trong bể kính bởi vì kích thước nhỏ và tính nết khá thuần của chúng.
Phần lớn họ cá lóc phát triển lên tới tối đa 30 đến 90cm. Bên cạnh sự đa dạng về kích thước, loài cá tầm trung này còn có rất nhiều tập tính và hành vi khác nhau vì một số loài cá lóc có nguồn gốc từ dòng cá lùn hay là các dòng cá quái vật.
5 loài cá lóc: cá lóc Trung Quốc, cá lóc Hoàng Đế, cá lóc bông, cá lóc đen thậm chí có thể phát triển chiều dài lên tới 1m hoặc hơn nữa và được cân nhắc vào hàng ngũ của dòng cá quái vật (khó có thể phù hợp trong môi trường nuôi nhốt)
Nguồn gốc 
Hóa thạch có nguồn gốc từ 50 triệu năm trước chỉ ra rằng chúng có nguồn gốc từ phía nam của dãy Himalayas (Ấn Độ và phía Đông Pakistan). Từ 15 triệu năm trước, các loài động vật đã trải dài và di cư từ vùng khí hậu cận nhiệt đới tới nhiều vùng của Châu Âu, Châu Phi và rất nhiều vùng lãnh thổ của Châu Á.
Đặc điểm
Cá lóc có 1 thân hình body cùng với vây lưng dài và hàm răng lớn với nhiều chiếc răng sắc nhọn. Cái tên dòng cá đầu rắn được người chơi cá cảnh đặt cho chúng bởi chiếc đầu bẹt và vảy trên đầu gợi liên tưởng đến vảy trên đầu của loài rắn.
Cá lóc có mang để thở dưới nước như hầu hết các loài cá khác. Tuy nhiên, khi ở size nhỏ và trưởng thành thì cũng cũng có thể hít thở không khí để bổ sung nhu cầu oxy. Cá lóc trên thực tế là loài bắt buộc phải thở bằng không khí và phải có không khí từ bề mặt nếu không chúng sẽ chết đuối. Không giống như nhiều loài cá thở bằng không khí khác, cá lóc có một loạt các khoang ở phần sau đầu của chúng. Các khoang này lấp đầy các mô gấp nếp có diện tích bề mặt cao và cho phép sự thay đổi oxy xảy ra trực tiếp giữa không khí và máu của chúng. Không giống như động vật có vú, chúng không có cơ hoành và sử dụng nước để trao đổi không khí cũ với không khí trong lành mỗi khi chúng hít thở. Do đó, khả năng hít thở không khí khi lên khỏi mặt nước của chúng bị hạn chế. Chúng dường như hít thở không khí thường xuyên hơn khi bơi lội tích cực.
Chi cá lóc Châu Phi (có nguồn gốc từ các vùng của Châu Phi) được mô tả tách biệt với chi cá lóc do phần hô hấp trên được phát triển hơn.
Cá lóc được biết là có tập tính di cư quãng đường ngắn trên đất liền, để tìm các lưu vực nước khác dựa trên khả năng hít thở không khí trên bờ. Khi di chuyển trên mặt đất, đầu tiên chúng uốn cong cơ thể theo hình chữ S rồi lao mình về phía trước bằng một cú duỗi mình mạnh. Trong điều kiện độ ẩm cao, cá lóc có thể tồn tại từ 2 đến 4 ngày trên mặt nước. Tuy nhiên, khi được đặt dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, chúng sẽ bị khô và chết trong vài phút đến vài giờ. Trái ngược với những gì được tin tưởng, cá lóc sẽ không rời khỏi mặt nước vì bất kỳ lý do gì ngoài việc quay trở lại mặt nước sau những trận lũ lụt. Những loài cá lóc chỉ thực sự chủ động rời khỏi nước là một số loài nhỏ hơn và vẫn phải có lý do chính đáng cho sự thay đổi môi trường sống của chúng.
Cá lóc có thể sống trong nhiều điều kiện môi trường nước khác nhau. Một số họ của cá lóc thì đã quen với vùng khí hậu cận nhiệt đới. Tuy nhiên để có 1 chú cá lóc khỏe mạnh, loài cá lóc này cần 1 môi trường nhiệt độ mát hơn như thế và thay đổi theo mùa. Phần lớn cá lóc có thể chịu được trong nhiều điện kiện môi trường nước từ nhiệt độ, độ PH, độ cứng của nước, mức độ oxy trong nước. Thế nhưng chúng sẽ dễ bị tổn thương trong trường hợp thay đổi đột ngột về môi trường sống.
Giá trị thương mại
Cá lóc được đánh giá cao như một loại thực phẩm có giá trị cao, đặc biệt là ở Ấn Độ, Đông Nam Á, Trung Quốc và 1 số nước nhỏ ở Châu Phi. Chúng từ lâu đã là một phần quan trọng trong đánh bắt thủy sản và trong những thập kỷ gần đây, một số loài cá lóc đã được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản và được sử dụng làm động vật ăn thịt để kiểm soát mật độ cá rô phi được coi là loài cá gây hại trong các cơ sở nông nghiệp. Các chợ địa phương thường tích trữ loài cá vào bất kỳ ngày nào trong năm với một lượng lớn. Người bán tận dụng khả năng sống sót trâu bò của cá lóc chỉ với 1 lượng nước ít xâm xấp mặt như chúng ta thường thấy ở các chợ dân sinh ở Việt Nam. Do đó, cá tươi có thể được cung cấp vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày kể cả trong một ngày dài nắng nóng tại chợ. Trải qua nhiều cuộc chiến và sự thực dân hóa trong 100 năm qua, loài cá lóc đã được du nhập vào nhiều nước (Madagascar, Hawaii, Đài Loan, Nhật Bản, Kazakhstan, Turkmenistan, Uzbekistan và Cộng hòa Séc).
Được biết, một số loài cá lóc có đặc tính chống viêm. Chúng cũng được biết là có một số lượng chất PUFA nhất định có thể điều chỉnh quá trình tổng hợp tuyến tiền liệt và cũng giúp chữa lành vết thương. Dầu cá lóc có thể có tác dụng tích cực đối với các bệnh tim mạch và ung thư.
Hiện tại, sự vắng mặt của nhiều loài thú săn mồi 1 lượng lớn các loài cá lóc được cho là đang xâm chiếm và phá hủy sự cân bằng của hệ sinh thái địa phương. Những con cá lớn có thể đạt độ trưởng thành sau 2-3 năm (từ 15-30cm) và chúng sinh sản từ 2-5 lần/năm và sản xuất ra lên tới 15.000 quả trứng mỗi lần. Đặc biệt với loài cá lóc Trung Quốc chúng có thể sản sinh ra lượng gấp đôi số lượng cá thể chỉ trong vòng 15 tháng.
Với sự phát hiện của 1 vài loài cá đầu rắn (cá lóc) lớn trong các lưu vực nước trong lãnh thổ của Mỹ đã làm nên 1 tin chấn động. Các phương tiện truyền thông đã thiết lập 1 loạt những hành động không được hợp pháp hóa bởi chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn sự sinh sôi nảy nở của giống loài này sang những khu vực khác (như là rút cạn các lưu vực nước hoặc sử dụng độc tố để thả xuống nước). Kênh truyền hình National Geographic thậm chí còn làm 1 bộ phim tài liệu mang tên “Sự xâm lược của các loài cá đầu rắn”, hay biếm họa hơn nữa là những nhà làm phim Hollywood thậm chí đã lấy cảm hứng và có 2 bộ phim được tạo nên nhờ loài cá đầu rắn này.
Những chợ Châu Á được cho là gốc rễ của sự xâm chiếm của dòng cá này vào lãnh thổ của Mỹ đồng thời cũng khiến nhiều người chơi cá cảnh có cơ hội để tiếp xúc với dòng cá này hơn. Bắt đầu từ năm 2002, phần lớn các bang tại Mỹ đều ban lệnh cấm sở hữu và nuôi dưỡng loài cá này.
Tập tính
Hẳn đọc đến đây với các thông tin ở trên các độc giả của cá cảnh Thái Hòa đều biết rằng loài cá này là loài cá săn mồi ăn thịt thuần. Chúng săn các sinh vật phù du, côn trùng, ốc sên khi còn ở size bé và chuyển sang săn những loài lớn hơn như là ếch, cá, tôm, cua,..hay thậm chí cả là 1 số loài chim. Cá lóc săn mồi theo đàn khi chúng còn bé và khi đã đủ độ trưởng thành chúng bắt đầu tách rời đàn và trở nên hung dữ hơn kể cả đối với giống loài của nó. Tuy thế nhưng loài cá này rất là trung thành, một khi kết đôi thì chúng sẽ không dễ dàng thay đổi bạn đời.
Cá lóc không phải là những tay bơi lội tích cực và khi không kiếm ăn chúng có xu hướng di chuyển và nổi lên để tìm kiếm không khí. Chúng dành nhiều thời gian lơ lửng ở tầng giữa hoặc nghỉ ngơi dưới đáy trong vỏ bọc như những kẻ săn mồi phục kích.. Tất cả cá lóc đều có khả năng tăng tốc mạnh mẽ. Chúng uốn cong cơ thể theo hình chữ S và phóng mình về phía trước bằng cách vươn và duỗi cơ thể ra.
Chăm sóc cá con là một đặc điểm hành vi nổi bật của cá lóc. Cả cha và mẹ đều bảo vệ và bảo vệ cá con một cách mạnh mẽ. Phần lớn các loài bảo vệ trứng của chúng trên mặt nước. Một số loài nhỏ hơn là loài ấp miệng. Chỉ có một số loài là ấp trứng trong hang.
Trong số những người chơi cá cảnh chuyên nghiệp, cá lóc là một loài cá cảnh phổ biến. Cá lóc là loài cá thanh lịch, lanh lợi, thông minh, điềm tĩnh và mạnh mẽ, có nhiều cá tính. Sự giao tiếp của chúng với các giống loài lân cận, kỹ năng săn mồi và hành vi sinh sản của chúng rất hấp dẫn. Một số người chơi cá cảnh thậm chí dành bể cá lớn của họ cho những con lớn và hiếm nhất.. Một số loài quý hiếm và được đánh dấu hấp dẫn (Cá Lóc Hoàng Đế) thuộc loại cá cảnh đắt nhất trên thị trường cá cảnh.
Một số con cá lóc thể hiện những thay đổi đáng kể về hoa văn màu sắc khi lớn lên. Trong những ngày đầu của việc phân loại cá, điều này làm người chơi rất bối rối. Vào thời đó, màu sắc vẫn được coi là một tiêu chí để phân loại.
Bên cạnh đó một số loài cá lóc lùn, nhiều con non còn được đánh giá là hấp dẫn hơn con trưởng thành. Cùng với sự trưởng thành, chúng thường có màu nâu hơn, xám xịt hơn. Vì hiện tượng này, một số người chơi cá cảnh mất hứng thú khi nó lớn lên. Những ai mới nhập môn về cá lóc thì nên cân nhắc và nhận thức rõ về những gì mình đang chuẩn bị dấn thân vào.
Vì bản chất săn mồi nguyên thủy của nó, không một con cá lóc nào là lựa chọn phù hợp cho bể cộng đồng. Hầu hết các loài cá nhỏ khác sẽ dần dần biến mất theo số lượng và thời gian. Vì vậy, cần có một bể cá chuyên dụng để nuôi cá lóc.
Những người chơi cá cảnh có kinh nghiệm rất đa dạng khi kết hợp loài cá lóc với các loài cá mạnh mẽ khác. Nói chung, hầu hết các loài có lẽ tốt nhất nên được nuôi riêng. Kết hợp cá lóc với các loài cá hung dữ và có tính đánh dấulãnh thổ khác, chẳng hạn như các thành viên của họ cá hoàng đế hay họ cá rô phi là một chiến lược không hiệu quả. Một con cá lóc bị đe dọa sẽ ẩn nấp, cố gắng thoát khỏi bể và nhất định không chịu ăn.

Cá Lóc Vẩy Rồng

Hình ảnh Chất lượng của một con cá Lóc Vẩy Rồng được đánh giá bằng hoa văn trên người chúng
Chất lượng của một con cá Lóc Vẩy Rồng được đánh giá bằng hoa văn trên người chúng

Cá lóc vảy rồng (hay còn gọi là hoàng đế của các các loại cá đầu rắn) có kích thước tối đa 65cm khi đạt đến độ trưởng thành và thường được tìm thấy ở các vùng phía Nam Thái lan, Malaysia, phía tây Sumatra, ….
Cá lóc vảy rồng sinh sống ở các con sông lớn và các hồ trong đất liền. Trái ngược với hầu hết các loài cá lóc, loài này khá ngoan ngoãn và chịu đựng được với sự cộng sinh cùng loài hoặc các loài cá lớn khác. Mức độ hung hăng của chúng tăng lên phần nào khi cá lóc vảy rồng trưởng thành hoàn toàn về mặt sinh dục.
Hình ảnh Phân bố của cá lóc vẩy rồng ngoài tự nhiên
Phân bố của cá lóc vẩy rồng ngoài tự nhiên

Mặc dù chắc chắn, cá nhỏ có trong thực đơn ăn của chúng, cá lóc vảy rồng còn chuyên săn bắt động vật giáp xác. Cá lóc vảy rồng rất giống với loài cá lóc mắt bò và có thể phân biệt được bằng dấu mắt gần đuôi, dấu này sẽ mờ đi khi chúng đạt 50 cm.
Nuôi dưỡng cá Lóc Vẩy Rồng
Với kích thước của cá lóc vảy rồng thì việc nuôi dòng cá trong 1 chiếc bể kính kích thước nhỏ và trung là không phù hợp. Thậm chí khi nuôi 1 cặp thì việc có 1 bể lớn là vô cùng cần thiết. Ngoài ra việc trồng thêm nhiều cây thủy sinh ở 1 vài khu vực trong bể và có 1 số khoảng tối là 1 điểm cộng để tái tạo lại phần nào môi trường sống của chúng.
Nhiệt độ của nước thì nên trong khoảng từ 24-28 độ C. Về độ cứng và chỉ số PH trong bể nên ở mức trung tính, 2 chỉ số này không quá ảnh hưởng nhưng nên tránh tình trạng tăng hoặc giảm thất thường.
Một quan niệm sai lầm phổ biến là cá thở bằng không khí sống trong nước tù đọng, hôi tanh trong tự nhiên và do đó điều kiện nước sạch là không cần thiết trong bể cá. Mặc dù hầu hết các loài có thể chịu đựng được nhiều điều kiện nước khác nhau, nhưng nhiều loài thể hiện sự ảnh hưởng tiêu cực khi điều kiện nước xấu đi hoặc trải qua những thay đổi nhanh chóng bất ngờ trong môi trường sống (như khi thay 1 lượng nước lớn đột ngột vào bể). Rất nhiều chú cá lóc đã gặp ông vải bà vải bởi những người chơi cá cảnh mới bắt đầu hoặc lâu năm vì thay nước ồ ạt và đưa vào bể quá nhanh. Thay nước 15% một tuần sẽ là ổn. Ngoài ra việc có 1 hệ thống lọc tốt là vô cùng quan trọng, nếu không lượng thức ăn thừa trong bể sẽ dễ dàng làm tình trạng nước trong bể của bạn tồi tệ dần đi.
Cá lóc phải hít thở không khí nếu không chúng sẽ chết đuối, điều này đòi hỏi phải có khoảng cách cho không khí lưu thông  giữa mực nước và nắp bể. Chúng còn rất hay nhảy lên, với cơ thể vạm vỡ, chúng có thể chui qua mọi khe hở và thậm chí nhấc cả nắp đậy lên sau 1 cú nhảy. Một tấm nắp đậy bể vừa khít là điều bắt buộc.
Chế độ ăn 
Đối với cá lóc vảy rồng 1 loài ăn thuần thịt thì mọi sinh vật sống trong bể đều có thể là thức ăn cho chúng. Thông thường, chúng vẫn có thể ăn đồ ăn đông lạnh như những miếng cá hay viên thịt nhỏ nhưng mà tuyệt đối không cho ăn thịt bò hay thịt gà. Một vài chất lipit ở trong thịt gà, thịt bò làm cho cá khó có thể tiêu hóa và chuyển hóa chất điều này làm tích tụ lượng mỡ hay thậm chí là thoái hóa cả nội tạng.
Những chú cá lóc còn bé đang trong quá trình tăng trưởng thì nên cho ăn hằng ngày nhưng 1 khi đã đạt tới kích thước từ 30cm thì 1 tuần ăn từ 2-4 lần là OK. Chúng không cần thiết phải ăn hàng ngày khi đạt đến độ này. Trên thực tế, cho nhịn ăn 1 thời gian để chúng tiêu hóa là một cách hợp lý để tránh sự phát triển của vi khuẩn bên trong và bệnh táo bón, đầy hơi.
Cá trưởng thành nên được cho ăn bằng kẹp để tránh thương tích không đáng có cho người chơi.
Sinh sản
Sự giao phối và sinh sản của cá lóc vảy rồng cần 1 khoảng không gian nhất định trong bể đặc biệt là để bảo vệ cá con. Nhiều người nói rằng loài này sinh sản vào tháng 10, những quả trứng đầu tiên sẽ được đẻ trên lớp phân nền trước và sau đó nổi dần lên trên bề mặt nước. Cặp cá bố mẹ sẽ thể hiện rõ sự chăm sóc đặc biệt và lâu dài cho cá con. Khi những chú cá con bắt đầu bơi lội tự do thì cặp cá bố mẹ sẽ bơi lượn theo đàn con giống như tập tính của loài vịt vậy. Ngoài ra chúng còn bảo vệ cá con rất quyết liệt. Trong khoảng thời gian này cá lóc vảy rồng sẽ tấn công bất cứ thứ gì chuyển động trong hoặc gần bể, thậm chí là nếu không đủ không gian môi trường xung quanh cặp cá bố mẹ có thể tấn công lẫn nhau.
Theo Aquainfo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button