KIẾN THỨC

Cá rồng nuôi chung với cá gì?

Trên thế giới, cá rồng là một trong những loại cá săn mồi được yêu thích nhất, vẻ ngoài uy nghi, dáng bơi oai dũng, phong cách săn mồi mạnh mẽ quý tộc, và người chơi thường nuôi nó trong một bể cộng đồng gồm nhiều loại cá săn mồi khác nhau. Tuy nhiên tại Việt Nam và một số nước châu Á, cá Rồng mang nhiều yếu tố phong thuỷ tâm linh, nó được xem là loài cá vua, là chủ thể của bể cá, và những con cá khác chỉ là “cá phụ kiện”.

Trong bài viết này, Thái Hoà Aquairum sẽ trả lời câu hỏi của nhiều mới chơi cá rồng, đó là: Cá rồng nuôi chung với cá gì? Với việc liệt kê có thứ tự các loại cá thường được nuôi cùng với cá rồng nhất hiện nay. Một số sự lựa chọn có thể không phù hợp về đặc điểm sinh học, nhưng do thực tế vẫn nhiều người chơi như vậy, nên chúng tôi sẽ ưu tiên dựa vào số lượng thực tế hơn là sự tương thích sinh học.

1.Cá Hổ 

Hình ảnh Cá Hổ Mekong gần như tuyệt chủng ngoài tự nhiên
Cá Hổ Mekong gần như tuyệt chủng ngoài tự nhiên

Cá Hổ là loài cá có thân màu vàng và những sọc đen trên thân, trông giống như con hổ. Có rất nhiều loại cá hổ khác nhau như cá hổ Thái, cá hổ Indo, cá hổ Mekong, cá Hổ Bắc, cá Hổ Bạc, cá Hổ Papua…với mức giá từ vài trăm ngàn tới vài trăm triệu.

Rồng với Hổ, long tranh hổ đấu, nghe đã có vẻ xung đột rồi, và thực tế nuôi trong cùng một bể cũng không thể tránh khỏi những lúc cơm không lành, canh chẳng ngọt. Tuy nhiên, đây là lựa chọn hàng đầu của người chơi cá rồng khi lựa chọn một con cá thả cùng. Cùng với Sam (cá đuối nước ngọt) và Rồng, nó tạo thành bộ ba “tam tài” rất được ưa chuộng.

Cá hổ có thể ăn uống các loại thức ăn như cá rồng, với những cú đớp mồi nhanh như điện xẹt. Màu sắc ổn định và chịu khó bơi lội là 2 đặc điểm mà người chơi thường đòi hỏi ở loại cá này.

2.Cá Sam

Hình ảnh cá Sam
Cá Đuối nước ngọt hay còn gọi là cá Sam

Cá Sam ở đây không phải là con Sam ở biển, mà là loài cá đuối nước ngọt có thân thình dẹt và tròn như cái đĩa, với 2 mắt nằm ở phía mặt trên, cái miệng nằm phía dưới bụng. Nó còn có cái đuôi cực kỳ bá đạo với cái gai độc trứ danh, chẳng may vệ sinh bể cá mà bị chích 1 cái từ con Sam trưởng thành là bạn phải nhập viện rồi.

Ngoài việc là công nhân vệ sinh tầng đáy và đánh bóng đáy bể, cá Sam tự bản thân cũng là một loài cá cảnh đẹp và độc đáo. Nhất là với những dòng cá cao cấp như Black Diamond, Galaxy…với cơ thể đen tuyền và những chấm trắng ma thuật trên thân, thì thực sự là không biết ai mới là ngôi sao của bể cá.

Hiện nay cá Sam được nhập từ Thái Lan là chủ yếu, từ những loại bình dân một vài triệu, tới những con cá vài trục tới hơn trăm triệu, tuỳ theo vẻ đẹp và độ hiếm. Khi nuôi Sam, bạn cần kiêng kị một số loại cá thả cùng, và thận trọng hơn trong vấn đề ăn uống.

3.Cá Phi Phụng

Hình ảnh cá Phi Phụng
Cá Phi Phụng là một công nhân vệ sinh thực thụ

Cá Phi Phụng là một công nhân vệ sinh đúng nghĩa. Nó chuyên ăn rêu tảo bám thành bể và các thức ăn thừa vừa miệng. Chúng có một tấm thân màu bạc, với phần lưng hơi chuyển sang màu đậm hơn, vẻ đẹp của cá Phi Phụng nằm hoàn toàn ở bộ vây lưng, vây bụng, và vây đuôi.

Loại cá này chủ yếu nhập từ Trung Quốc, có giá từ vài trăm tới hơn 1 triệu đồng, tuỳ theo chất lượng. Cá mới về thường được các nhà trại bơm lớn, nên không được đánh giá cao về thẩm mỹ, tiêu chuẩn lựa chọn cá dựa trên bộ vây đuôi đỏ đen thẳng vạch, không khuyết lỗi. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc một thời gian đủ lâu, bộ vây lưng, vây bụng, vây đuôi của nó sẽ phát triển rất ấn tượng, và sẽ cho bạn biết tại sao nó lại được gọi là Phi Phụng (Phượng Bay).

Lưu ý là loài cá này có thói quen mút mát, có thể gây khó chịu cho Sam, nhất là Sam nhỏ.

4.Cá Hồng Két 

Hình ảnh cá Hồng Két
Cá Hồng két thích hợp thả bể cá ăn mồi, bể cá rồng

Thật tuyệt với khi ngắm nhìn một bể cá có phông nền đen, với 1 Huyết Long đỏ chói bơi thong dong, xung quanh là đàn hồng két kích thước vừa phải, cũng đỏ chói bơi lượn lờ theo “chủ”. Có rất nhiều màu sắc để lựa chọn, như két vàng nuôi cùng quá bối, két Koi, két trắng…

Cá Hồng két rất dễ mua và dễ chăm, giá từ vài trăm tới hơn triệu, bạn có thể nuôi theo đàn và cho ăn thức ăn khô hoặc thức ăn thừa từ cá rồng đều được. Lưu ý, trong bể có Sam nhỏ rất dễ bị hồng két tấn công, gây chấn thương hoặc thậm chí tử vong.

5.Cá Ngân Long

Hình ảnh cá rồng Ngân Long
Cá Ngân Long là loại cá cảnh được ưa thích

Về bản chất thì Ngân Long cũng là một loại cá rồng, nhưng do giá trị và vẻ đẹp không cao như các bậc “chân mệnh thiên tử” kia, nên Ngân Long vẫn bị xem là cá phụ kiện, là bao cát, bịch bông cho đấng quân vương tẩm quất giải trí.

Khi nuôi cùng với cá Ngân Long, do cùng là cá bơi tầng mặt, nên sẽ rất nhiều xung đột xảy ra, do đó, bạn nên lựa chọn kích thước cá nhỏ hơn một chút, và cũng cần theo dõi sát sao khi mới ghép bể, kẻo trạng chết chúa cũng băng hà.

6.Cá Hoàng Bảo Yến

Hình ảnh cá Hoàng Bảo Yến
Cá Hoàng Bảo Yến thường thả chung trong bể cá rồng

Cá Hoàng Bảo Yến, hay còn gọi là cá Hoàng Đế, hiện nay có rất nhiều tại hồ thuỷ điện Trị An, là loài cá có thân màu vàng hơi xanh, trên đó có những chấm màu (hoa). Có rất nhiều loại cá Hoàng Bảo Yến được nhập về để phục vụ người chơi tại Việt Nam, như Hoàng Bảo Yến Hoa Kelberi, Orino, Intermediate…Hiện tại người chơi thường lựa chọn những cá thể độc đáo ngắn người (short) để chơi là chủ yếu.

Cá Hoàng Bảo Yến rất phàm ăn, chúng có tốc độ bơi cực cao, nên thường tranh ăn hết mồi của các loại cá khác, kể cả cá rồng. Do đó, khi nuôi cùng loại cá này, bạn phải lập phương án cho ăn để có thể phân phối đều nguồn thức ăn cho các loại cá trong bể.

7.Cá Đĩa

Hình ảnh cá đĩa mới về cửa hàng
Cá Đĩa Đỏ như dưa hấu bổ đôi

Một số người chơi thường thả cùng cá đĩa size lớn với cá Rồng. Kiểu mix này đem lại hiệu ứng về hình ảnh rất đẹp. Cá Đĩa bơi thành từng đàn thong dong ở tầng giữa, cá rồng uy vũ lượn lờ ở tầng trên. Thông thường, cá rồng không tấn công các cá size vừa và nhỏ không đe doạ tới vị trí của nó trong bể, tuy nhiên, cũng có những con cá rồng rất hung dữ, có thể tấn công bất cứ loài cá nào dù nhỏ hay lớn. Hơn nữa, việc nuôi cùng cá đĩa sẽ khiến bạn phải rất cẩn thận khi thả thêm các loại cá săn mồi khác. Luồng nước trong bể cũng phải giảm nhỏ hơn để cá đĩa có thể thoải mái bơi lội, không bị nép góc.

8.Cá Thần Tiên Ai Cập

Hình ảnh cá Thần Tiên Ai Cập
Cá Thần Tiên Ai Cập là niềm mơ ước của nhiều người chơi cá

Cũng giống như cá Đĩa, 1 đàn cá thần tiên ai cập khi thả cùng cá rồng sẽ tạo ra một hiệu quả thẩm mỹ vô cùng ấn tượng, mà không một loài cá phụ kiện nào có thể đem lại. Tuy nhiên, những vấn đề chúng ta gặp phải cũng tương tự như khi nuôi cá đĩa cùng cá rồng.

Nếu không phải là một người chơi kinh nghiệm, bạn không nên thử mix theo phong cách này. Vì cá thần tiên Ai Cập, kể cả nuôi riêng một mình cũng là không dễ dàng gì đối với đại đa số người chơi. Mặc dù có nhiều người chơi đã trải nghiệm và thành công, bạn nên cân nhắc khi thử, vì giá của cá Thần Tiên Ai Cập trưởng thành hàng chất lượng cũng khá cao.

9.Một số loại cá săn mồi khác

Hình ảnh Cá Piranha Bụng Đỏ
Cá Piranha Bụng Đỏ

Ngoài những loại cá và phong cách chơi nổi bật ở trên, còn rất nhiều loài cá mà bạn có thể nuôi chung được với cá rồng như: Cá rồng cửu sừng, cá Tài Phát, cá Tai Tượng, cá Tài Phát Hồng Kỳ, cá Kim Sơn, cá Ngân Sơn, cá Hồng Vịt, cá Ngựa Vằn, cá Vịt Hoa, cá Chim Móc Câu Đỏ, cá Chim Đen, cá Đầu Bò, cá ali dòng Hap, cá King Kong, cá Thành Cát Tư Hãn, cá Vương Miện, Cá Ong, cá La Hán, cá Hổ Congo, cá Hổ Goliat, Cá Mè Nanh Sói, cá Piranha, cá Lưỡi Dao…

Mỗi khi thả thêm cá mới vào bể, nếu có lồng dưỡng hoặc vách ngăn để cho cá mới làm quen nước và cá cũ làm quen với sự hiện diện của cá mới, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn nhiều. Nhất là những loài có tập tính lãnh thổ cao, dễ xung đột mạnh với cá rồng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button