KIẾN THỨC

Tư vấn thiết bị cho bể kính 120cm

Chào quý người chơi, nếu bạn đang có ý định làm một bể kính khoảng 120cm, hoặc đang có bể kích thước đó mà chưa biết lựa chọn thiết bị nào để phù hợp, như lọc, đèn, vật liệu lọc, vv…Thái Hoà Aquarium sẽ gửi tới quý người chơi những tư vấn thiết thực nhất trong bài viết này, mời bạn theo dõi nhé.

1.Bể kính

Nếu bạn có bể kính rồi thì có thể bỏ qua bước này, nhưng nếu chưa có thì bạn cần cân nhắc lựa chọn các kích thước phù hợp nhé. Để chơi thuỷ sinh, bạn có thể lựa chọn kích thước 120x45x45cm hoặc 120x50x50cm dán giấu keo, không giằng bể. Để chơi các loại cá cảnh thông thường, bạn có thể lựa chọn kích thước 120x45x60cm hoặc 120x50x60cm bả keo đen, có dán giằng. Với ý định nuôi cá rồng, hoặc cộng đồng săn mồi, bạn nên làm rộng ra một chút từ 120x60x68cm hoặc 120x68x75cm. Với bể có giằng, bạn có thể chọn kính 8mm để tiết kiệm, tuy nhiên, làm kính 10mm-12mm vẫn là lựa chọn tốt hơn. Có rất nhiều loại kính trên thị trường, phổ biến nhất là kính xây dựng Việt Nhật, yêu cầu cao hơn bạn có thể lựa chọn các loại kính siêu trong để tăng trải nghiệm nhìn với giá cao hơn khá nhiều.

2.Chân bể

Tuỳ theo thiết kế nội thất và môi trường đặt bể cá để lựa chọn chân bể phù hợp.
Với bể kính đặt phòng khách, lựa chọn làm chân gỗ khung sắt – inox – gỗ Lim thường được người chơi ưa chuộng. Phần gỗ vừa để che kín hệ thống lọc dưới, vừa kết hợp để đồng nhất nội thất với ngôi nhà, tránh bị lạc lõng. Giá chân trên thị trường giao động từ 2,5-4,5tr/m dài tuỳ theo chất lượng gỗ. Thường làm nhất là gỗ Tần Bì, Sồi Nga, Sồi Mỹ, Xoan Đào, hoặc cao hơn nữa thì có gỗ gụ, gỗ hương…Hiện nay cũng rất nhiều người chơi làm chân sắt hoặc chân Inox sơn đen không lắp cánh gỗ để show hệ thống lọc và đường ống, cũng rất đẹp và cá tính nếu có nội thất hiện đại phù hợp.
Nếu để ngoài trời, bạn nên lựa chọn chân Inox để đảm bảo thời gian sử dụng lâu dài. Chân bể thường làm cao từ 50-80cm, lý tưởng nhất là 70-75cm.

3.Hệ thống lọc

Với 1 bể cá 120cm, có rất nhiều lựa chọn, tuỳ thuộc vào mức đầu tư, về loại cá bạn nuôi, về yêu cầu thẩm mỹ.
Nếu định chơi thuỷ sinh, bạn nên lựa chọn lọc thùng. Đây là một giải pháp an toàn và cơ bản. Thùng lọc sẽ đặt dưới chân bể, với 2 đường ống In-out móc vào bể và kết nối với thùng lọc bằng dây mềm. Giá thành khá rẻ và tiện dụng. 1 bể 120cm bạn có thể dùng 1 đến 2 thùng lọc tuỳ mức độ chơi. Bạn có thể tham khảo mã Jecod CF-55U.
Nếu định nuôi cá rồng và các loại cá săn mồi, lọc tràn dưới là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, để hệ thống hoạt động tốt, hệ thống cần được làm đồng bộ với bể kính. Do đó, ngay khi đặt bể, bạn phải yêu cầu đơn vị thi công làm hệ thống lọc này, nhiều người quen gọi là bể cá công nghệ mới. Với hệ thống lọc này, việc chơi cá của bạn sẽ nhàn đi khá nhiều. Bơm có lưu lượng từ 4000-6000l/h có điều khiển lưu lượng sẽ là lựa chọn tốt cho hệ thống lọc dưới bể 1m2. Bạn có thể tham khảo series bơm chuyên cho lọc tràn dưới Baoyu BY.
Đối với một số người chơi phổ thông hoặc 1 loại cá đặc biệt, lọc tràn trên là một lựa chọn tuyệt vời. Hệ thống lọc tràn có thể được đặt ngay trên giằng bể và giấu trong lớp rèm bả keo cao và dày của bể. Có một số người chơi chuyên, chỉ quan tâm tới chất lượng nước thì có thể tham khảo hệ thống lọc tràn 3 tầng dàn mưa, loại này cho chất lượng nước rất tốt, được anh em chơi cá lóc cảnh cực kỳ ưa chuộng. Dùng lọc tràn trên, thì mã bơm có lưu lượng từ 1800-2500l/h là phù hợp với bể 1m2. Bạn có thể tham khảo mã bơm Baoyu BY 103 rất được nhiều người sử dụng. Có thể kết hợp cùng bộ hút mặt hút đáy rất tiện lợi.

4.Vật liệu lọc

Việc lựa chọn vật liệu lọc thì tuỳ thuộc vào hệ thống lọc, loại cá sẽ nuôi và mức đầu tư. Hệ thống lọc tràn dưới thường sử dụng bông lọc – jmat – vật liệu lọc dạng thanh to – vật liệu lọc dạng viên. Hệ thống lọc thùng thường sử dụng bông lọc tấm cắt theo khay lọc và các loại vật liệu lọc dạng viên. Hệ thống lọc tràn trên cũng sử dụng chủ yếu là các dạng vật liệu lọc dạng viên.
Tuỳ mức đầu tư mà bạn lựa chọn loại cao cấp hay bình dân, tất cả đều đóng vai trò là chỗ trú ngụ cho các loại vi sinh hữu ích xử lý nước, khác biệt ở chất lượng sẽ dẫn đến các mức giá khác nhau.
Loại cá bạn nuôi cũng quyết định nhiều tới việc lựa chọn vật liệu lọc. Ví dụ, nếu bạn nuôi cá la hán, hoặc các loại Cichlid, bạn nên thêm vào một ít san hô lọc hoặc các vật liệu lọc tăng PH. Các loại cá thích PH thấp bạn có thể sử dụng Dodofly PH Maggiccube.

5.Đèn chiếu sáng

Với bể kính 120cm, bể giấu keo bạn có thể lựa chọn các loại đèn kích thước 120cm. Với bể có giằng và rèm, bạn cần lựa chọn các loại đèn có kích thước ngắn hơn 100-110cm. Chủng loại đèn và màu sắc ánh sáng cũng phụ thuộc rất nhiều vào loại cá bạn nuôi. Ví dụ, nếu bạn nuôi cá rồng quá bối, bạn có thể chọn đèn Baoyu màu vàng 110cm 2 hàng hoặc 4 hàng led; bạn nuôi huyết, bạn có thể chọn đèn hồng; bể thuỷ sinh bạn chọn đèn T5 120cm…

6.Máy sục khí 

Máy sục khí rất quan trọng đối với bể nuôi cá cảnh thông thường, còn với bể thuỷ sinh thì có hoặc không có cũng được. Lượng oxy hoà tan trong nước không chỉ dành cho cá thở, nó còn giúp hệ sinh thái trong hồ hoạt động tốt hơn. Với bể 120cm, bạn chọn máy có lưu lượng khí 6-8L/P, nên chọn loại 2 đầu sục khí. Bạn có thể tham khảo mã Tankmaster TAP 08 – một trong những mã máy sục khí êm nhất phân khúc.

7.Sưởi bể cá

Vào mùa đông, bạn sẽ cần sưởi ấm cho bể cá, để tránh cho những con cá nhiệt đới bị suy yếu và nhiễm các loại nấm bệnh không mong muốn. Với bể 120cm, bạn có thể lựa chọn sưởi từ 300W tới 500W là được. Bạn có thể tham khảo mã Tankmaster HT 300W cao cấp hay mã Periha HE 500w trong phân khúc bình dân.
Trên đây là những thiết bị cơ bản cho bể cá cảnh phổ thông, với một số trường hợp bạn sẽ cần thêm một số thiết bị chuyên dụng nữa để có thể vận hành bể cá hiệu quả. Ví dụ như chơi thuỷ sinh, bạn cần thêm bình CO2, máy lạnh. Chơi cá biển bạn cần thêm Protein Skimmer, máy tạo sóng, lò khử PO4, Lò Canxi, Máy tiếp hoá chất…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button