Đây là bài viết của một người chơi cá koi trong hồ nhỏ dưới hai khối rất hay, được Thái Hoà chia sẻ tới mọi người để cùng nhau nâng cao kinh nghiệm và kiến thức cho thú chơi đầy đam mê này. Tuy nói là dành cho hồ dưới 2 khối, nhưng thực sự hữu ích cho tất cả mọi người chơi koi với mọi kích thước hồ. Dưới đây Thái Hoà sẽ để nguyên ngôi của người viết bài khi chia sẻ.
Hôm nay tròn 4 năm chơi Koi của mình, mình sẽ trình bày hết tất cả những kinh nghiệm chơi koi của mình, những kinh nghiệm có thể đúng có thể sai nhưng có được nó thì mình phải tốn tới vài năm chơi koi cùng với hơn chục em koi không nhớ hết. Và những kinh nghiệm này chỉ dùng tốt nhất cho hồ koi dưới 2 khối nhưng ham nuôi koi NHẬT với mật độ cao.
1. Chơi koi dù nuôi giỏi hay kinh nghiệm thế nào thì mất mát là điều rất bình thường hãy tập làm quen với điều đó
2. Hãy mua ngay một chậu tròn xanh đường kính khoảng 80cm vừa dùng để đo cá, show cá vừa dùng để làm tank dưỡng bệnh cho cá nhỏ dưới 60cm.
3. Nước tốt là điều kiện quan trọng nhất và điều kiện đầu tiên để chữa tất cả các bệnh cho koi. Nghĩa là sao? Nghĩa là không thể chữa bệnh cho một con koi trong môi trường nước xấu, nghĩa là một con koi sẽ khỏi vài bệnh hoặc một vài triệu chứng mà mình cho là bệnh khi được sống trong môi trường nước sạch.
4. Hỗn hợp thức ăn aqua growth + hikari balance 50:50 là hỗn hợp thức ăn mình cho là kinh tế nhất để cho cá lớn từ 1x lên 6x sau 1 năm với chỉ cần ngày cho ăn 1 hoặc 2 bữa. Hỗn hợp này cũng đủ đảm bảo nước sẽ k quá đục vì hồ chúng ta là hồ nhỏ dưới 2 khối cho ăn hoàn toàn bằng hikari thì dù lọc tốt thế nào cũng sẽ bị đục màu. Đó là điều chắc chắn.
5. Thuốc vàng elbagin nên là thứ thuốc ít nhất cần phải có, và nếu có điều kiện thì mua thêm 1 vài loại thuốc trị nấm kèm theo như malachite, clo T, thuốc tím hoặc nhẹ hơn là xanh metylen…
Và sau đây là trả lời vài câu trả lời khi các bạn bè chơi chung hỏi:
Hỏi: Tại sao khi đem cá nhật mới về hồ thì vài ngày sau em đó và vài em khác khép vây, nổi trắng trên thân hoặc đỏ mình bơi sát chỗ thác nước, có phải cá mới đem về bị bệnh bị nấm nên lây cho cá trong hồ?
Đáp : Vấn đề cá bị bệnh sẵn tại các trại hay trong hồ của người thanh lý thì rất hiếm vì các trại đại đa số đều đã cách lý đúng quy tắc trước khi bán ra và người thanh lý thì cũng chẳng nhẫn tâm đến nỗi bán cá bệnh mà cá bệnh thì khi qua mua mình sẽ thấy được mà. Vậy tại sao đem một con hoặc vài con cá khỏe mạnh về hồ lại xảy ra tình trạng cá lờ đờ khép vây. Vấn đề là khi một con cá đang sống trong môi trường này chuyển sang môi trường khác, nếu cả hai môi trường đều khá tương đồng về độ PH, nồng độ muối, NH3, TDS … thì sẽ không có vấn đề gì nhưng nếu môi trường ở 2 hồ quá khác biệt mặc ví dụ như một hồ ph 6 và một hồ ph 8. Khi đó Koi mới về sẽ phản ứng lại bằng cách tuột nhớt và tạo ra một tín hiệu bệnh cho các con koi xung quanh. Với một hồ lớn hơn 10 khối thì ít ảnh hưởng đến các con koi cũ nhưng với hồ nhỏ thì lượng nhớt tuột ra đó vô tình làm tình trạng nước xấu đi. Các con koi khác khi đó cũng sẽ tuột nhớt ra theo dây chuyền để phản ứng và càng làm nước đã xấu càng xấu đi thêm. Một vài koi yếu sau một thời gian sẽ khép vây và bơi lên chỗ thác nước… Và cuối cùng nếu chúng ta đánh các loại thuốc trị nấm mạnh thì chính là nhát dao kết liễu các em nó, sau đó ta sẽ tự huyễn hoặc mình và tự cho rằng CÁ CHẾT DO NẤM MANG HAY MỘT CĂN BỆNH KHỦNG KHIẾP NÀO ĐÓ TỪ ĐÁM CÁ MỚI. Như đã nói ở điều 3 nước tốt là điều kiện cần thiết đầu tiên để chữa tất cả các bệnh, lúc này chúng ta thay ngay 80% hoặc 100% nước hồ và cho ít thuốc vàng vào để cá giảm stress hoặc không cho gì cả theo dõi và lập lại điều đó mỗi ngày. Việc chúng ta sợ cá shock nước mới mà thay chỉ 20% khi cá khép vây thì chẳng giúp được gì nhiều vì cá lại tiếp tục tuột nhớt và 20% nước mới đó nhanh chóng bị bẩn.
Hỏi : Có một em koi trong hồ bị tróc da, nổi đỏ, mụn, xù vảy …. Nói chung các bệnh lý bên ngoài da mà mình nhìn thấy được nhưng không phải nấm hoặc không phải do rận hay trùng mỏ neo. Điều trị như thế nào?
Đáp : Đừng vì 1 con bị bệnh mà đánh thuốc cả hồ trừ khi ta chắc chắn nó bị nấm mang hoặc bị trùng mỏ neo rận… Mình cần bắt con bị bệnh ra vào thau tròn đường kính 80cm với nước sạch kèm theo sủi oxy và ít thuốc vàng sau đó lấy 1 tấm xốp đè lên chừa vài khoảng hở cho không khí ra vào. Mỗi ngày thay 30% lượng nước trong thau đó và thêm thuốc vàng cho đến khi cá khỏe hẳn. Tại sao dùng xốp chặn cá mà k dùng lưới? Vì lưới chặn cá rất dễ bị tình trạng cá vẫn nhảy ra ngoài được hoặc cá nhảy lên chạm lưới làm trầy mình trầy beni (cái này mình từng bị). Tấm xốp thì lại khác, khi đó chậu sẽ tối đi rất tốt dễ dưỡng cá, cá k bị trầy xước khi nhảy lên chạm vào xốp. Và nếu để chậu đó ngoài trời nắng thì xốp sẽ cản nhiệt rất tốt. Mà bạn biết đó, khi điều trị bệnh cho cá thì nhiệt độ 30 độ là nhiệt độ lý tưởng nhất.
Hỏi : Sao cá người ta dạn mà đem về hồ mình lại rất nhát? Làm sao để chọn được một con Koi dạn?
Đáp : Trong hồ sẽ có vài em Koi dẫn dắt tình trạng cả hồ, nếu các em đó nhát thì khi đem một con cá dạn về thì không sớm thì muộn em cá dạn đó cũng sẽ nhát như đám cá cũ. Nếu được chúng ta nên thanh lý các em nhát đó đi (biểu hiện là lên ăn kiểu lén lút, đớp 1 cái lặn xuống ngay). Cá nhát khác với cá biếng ăn do nước không tốt, chúng ta dễ lầm lẫn 2 trạng thái đó với nhau. Nếu một hồ nước ổn thì việc tập cho cá dạn dần và ăn trên tay sẽ rất dễ dàng so với một hồ nước không được tốt lắm. Hồ nước không được tốt (do PH, Nh3 cao hoặc ít oxy…) cá vẫn sẽ ăn nhưng không sung và do đó không thể tập ăn được trên tay. Để chọn được một Koi dạn thì không cách nào khác là phải quan sát, khi ăn koi dạn sẽ đớp nhiều lần vài viên thức ăn và từ từ lặn xuống chứ không chìm ngay xuống đáy như koi nhát. Và một con koi được xem là cần phải giữ đó là một con koi khi thấy chủ đến là hả miệng đớp nước liên tục đòi ăn bất kể đám xung quanh có nhát hay bơi lòng vòng bên dưới, đó là một jumbo koi của tương lai.
Hỏi : Hồ nhỏ thì cần làm gì để hạn chế cá ít chết vì bệnh nhất?
Đáp : Theo mình thì cần làm đó là thay nước 30% thường xuyên mỗi tuần 2 lần, quan sát phản ứng của cá. Nếu thấy có vài em cá cạ mình thì thay ngay 50% nước còn nếu cả đỏ mình khép vây hoặc nổi trắng đầu thì thay 80 đến 100% nước. Việc quan sát cá ăn cũng biết được tình trạng nước.
Hỏi : Muốn làm hồ nhỏ dưới 2 khối nuôi Koi tốt thì điều gì cần quan tâm nhất?
Đáp : Làm hồ dưới 2 khối thì dù là hồ xây hay hồ bạt thì điều quan tâm chú trọng đó là ngăn lắng. Do hồ chỉ dưới 2 khối nên suy ra thể tích lọc của hồ chắc chỉ khoảng 500L. Và như thế mình khuyên nên dành 300L làm ngăn lắng. Một ngăn lắng tốt là một ngăn lắng phân tốt, nghe có vẻ đơn giản và hiển nhiên nhưng mình phải chỉnh sửa vài lần mới ổn. Thứ nữa một ngăn lắng tốt thì khi xả hết nước thì phân cũng ra hết theo. Tại sao mình khuyên dành 300L cho ngăn lắng, thể tích như vậy đủ lớn để hạn chế phân không bị cuộn lên chui qua ngăn lọc và nếu hồ bạn 1,5 đến 2 khối thì khi xả sạch ngăn lắng nghĩa là bạn đã thay hơn 20% nước hồ. Một tuần làm 2 lần như thế thì hồ nước sẽ rất sạch. Khi có một ngăn lắng tốt thì sau này bổ sung thêm lọc rất dễ dàng ví dụ như thêm dàn bakki, lọc ngoài …
Hỏi : Làm hồ bạt nhỏ như thế nào?
Đáp : Đầu tiên hồ bạt thì cần phải có khung chịu lực, bạn có thể dùng nhiều loại khung khác nhau như khung gỗ, khung sắt hay khung bằng gạch xây. Dù khung nào đi nữa thì cần nhớ hồ càng cao và thể tích càng lớn thì khung càng cần phải chắc chắn. Bạt thì bạn nên mua bạt xe tải (đủ bền để chơi trên 5 năm và không mắc như bạt hdpe chuyên dụng) và nhờ người ta ép hình theo đúng thể tích hồ, những vấn đề này bạn có thể ra khu hải thượng lãn ông có bán và ép (Thái Hoà: tại HN bạn có thể ra Hà Trung). Vấn đề tiếp theo là hút đáy, do là hồ bạt nên hầu hết không thể làm hút đáy bình thường như hồ xây được. Bạn phải làm hút dáy qua thành hồ. Ống thông hút đáy sẽ có kích thước phi 90 để có được lực hút đáy tốt nhất. Do hồ lốt bạt không có độ dốc đáy nên lực hút của hút đáy cũng là vấn đề đáng quan tâm. Cuối cùng là do hồ nhỏ nên chúng ta nên tận dụng tối đa sủi oxy như là một thổi luồng phụ, đặt sủi ở những vị trí góc chết để đẩy phân về phía hút đáy.