KIẾN THỨC

Kiến thức cơ bản để cải thiện chất lượng nước bể cá cảnh

Chất lượng nước kém là cơn ác mộng mà bất cứ người chơi cá cảnh nào cũng gặp phải. Nó không chỉ đến với người mới chơi và cũng không chỉ đến 1 lần, nó xuất hiện trong toàn bộ quá trình chơi cá của bạn, từ người mới đến người chơi lâu năm. Chất lượng nước không tốt có thể gây tác động xấu tới sinh trưởng và phát triển của cá và cây trong bể, gây nên các bệnh tật và làm chết cá.

Việc dư thừa dinh dưỡng, hàm lượng amoniac cao, nồng độ oxy hoà tan thấp là những yếu tố cơ bản để đánh giá sự yếu kém của hệ sinh thái trong bể nuôi. Chúng tôi sẽ đưa ra những gợi ý để bạn hiểu rõ hơn và cách khắc phục tình trạng này bằng những kỹ thuật đơn giản nhất.

Kiểm soát chất dinh dưỡng trong bể cá. Chất thải hữu cơ và thức ăn thừa là nguồn dinh dưỡng hữu cơ phổ biến nhất. Khi các chất này phân huỷ, sẽ giải phóng ra Ni tơ và Phốt phát, rất dễ dàng để các vi sinh vật sử dụng. Những dưỡng chất dư thừa này sẽ thúc đẩy sự phát triển của những sinh vật bạn không hề mong muốn trong bể cá của mình, như tảo, nấm, kí sinh trùng, và nhiều vấn đề khác trong hệ sinh thái bể cá. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy việc dinh dưỡng dư thừa khi nước bị hôi, đổi màu, PH giảm, tảo tăng lên.

Giải pháp cho việc dinh dưỡng trong bể dư thừa là thường xuyên vệ sinh thay nước bể cá, thay thế bông lọc và vệ sinh các loại vật liệu lọc. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng một số phương pháp hoá học để loại bỏ Phốt Phát và một số dưỡng chất khác, nhưng cá nhân tôi thấy điều này là không cần thiết.

Hãy cảnh giác với Amoniac, hầu hết người chơi cá cảnh chuyên nghiệp đều lo lắng khi thấy nồng độ Amoniac trong bể cá tăng cao. Amoniac rất nguy hiểm và độc hại, chỉ một chút thôi, cũng ảnh hưởng tới đời sống của các loại sinh vật trong bể cá rồi. Khi Amoniac trong bể cao, khả năng cao là cá sẽ bơi lội bất thường, căng thẳng và stress. Amoniac được đưa vào thông qua chất thải của cá, quá trình hô hấp và các quá trình sinh học khác. Thông thường thì chất thải của cá, thức ăn thừa, và thả quá nhiều cá thường gây ra lượng Amoniac tăng đột biến ngay cả với những bể có hệ sinh thái đã ổn định.

Giải pháp để xử lý tình trạng Amoniac, nồng độ Amoniac trong hồ cần luôn ở ngưỡng rất thấp, sự tăng cao của Amoniac là một dấu hiệu của hệ thống lọc kém hiệu quả. Ngoài việc vệ sinh thay nước định kỳ, bổ sung các loại vi sinh, bạn cần kiểm tra xem lọc của mình đã đủ lớn và vật liệu lọc của mình đã đủ tốt so với thể tích bể nuôi và số lượng cá bạn nuôi hay chưa.

Tối ưu hoá Oxy hoà tan trong nước, rất ít người chơi hiểu đúng về tầm quan trọng của oxy hoà tan trong nước, hầu hết họ chú ý vào hệ thống lọc nhiều hơn. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng, các sinh vật trong bể nói riêng và cả thế giới sinh vật nói chung đều không thể sống nếu thiếu oxy. Thật không may, nồng độ oxy hoà tan trong nước sẽ giảm xuống nếu hồ bị ô nhiễm, hệ thống lọc kém và hệ thống sục khí yếu hoặc không có. Lúc đó, cá sẽ phải cạnh tranh với các vi sinh vật hiếu khí và các loại thực vật để có thể thở.

Giải pháp cho việc thiếu oxy là bạn cần thường xuyên kiểm tra nồng độ oxy hoà tan, bổ sung thêm oxy khi có dấu hiệu hồ của bạn bị thiếu oxy. Theo chúng tôi, bạn luôn nên duy trì một máy sục khí mạnh và bổ sung đầy đủ oxy cho bể cá của bạn, điều này sẽ khiến cho cá của bạn ít bị bệnh hơn, nước trong hơn và cũng không bị mùi hôi tanh khó chịu.

Thông số lý tưởng của nước là thông số tiêu chuẩn và thích hợp để các loại sinh vật trong bể cá phát triển, chất lượng nước kém là khi các chỉ số bạn đo được vượt qua các thông số lý tưởng. Do đó, bạn cần nắm rõ các thông số lý tưởng để tham chiếu khi cần thiết. Việc thực hành thường xuyên sẽ cho bạn nhiều kinh nghiệm và kiến thức thực tế để xử lý sự cố cho bể cá của mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button