KIẾN THỨC

15 vấn đề thường gặp đối với người bắt đầu chơi cá cảnh

Nuôi cá cảnh giúp người già thư giãn, người trẻ giảm stress sau những giờ làm việc căng thẳng, còn trẻ con được vui chơi và giáo dục. Đây là một trong 3 thú chơi lâu đời được ưa chuộng nhất ở châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, mỗi người có một chuyên môn, nếu không có thời gian nghiên cứu đủ lâu, bạn rất dễ mắc phải những sai lầm, gây tốn kém và mất hứng thú với môn chơi này.
Thái Hoà Aquarium với nhiều năm kinh nghiệm xin chia sẻ với các bạn những vấn đề mà những người chơi mới thường hay gặp phải, để từ đó đưa ra những quyết định phù hợp với nhu cầu của bản thân.
1.Lựa chọn bể nuôi cá quá nhỏ. Bể nhỏ thường rất khó chơi, khó lựa chọn thiết bị, cũng như lựa chọn loại cá để nuôi. Một hệ sinh thái đủ lớn luôn hoạt động ổn định và bền vững hơn các bể cá kích thước nhỏ. Nếu mới bắt đầu, bạn nên lựa chọn một bể có thể tích từ 75-200 Lít để bắt đầu thú chơi này.
2.Chưa hoàn thành chu trình sinh thái của bể cá. Với bể mới, cần thời gian để bể cá có thể thiết lập một cân bằng sinh thái. Mặc dù có nhiều loại thuốc hỗ trợ để tăng tốc quá trình này như khử độc nước (Prime của Seachem; Quick Start của API…) hoặc các loại vi sinh (Extrabio, Bio Fish, AS Bio, Stability, Bio Rock…) nhưng bạn vẫn nên thực hiện theo các giai bước như sau. 1. Thêm một vài con cá ban đầu.  2. Cho cá ăn và vận hành hồ với một lượng nhỏ thức ăn. 3. Kiểm tra lượng Amoni và Nitrite trong bể sao cho hàm lượng này tiệm cận 0. Lặp lại quá trình này cho tới khi bể cá của bạn được thả đầy.
3.Mua cá vào cùng ngày mua bể. Một bể cá mới không thích hợp để bạn thả cá ngay, do đó đừng mua bể rồi mua luôn cả cá cho “tiện”. Bể cá cần hoạt động tối thiểu 2-3 ngày với các loại vi sinh hỗ trợ trước khi bạn có thể thả những chú cá đầu tiên.
4.Thả quá nhiều cá vào bể cá mới. Một bể cá mới là một bể gần như sạch về mặt sinh học. Các vi khuẩn có lợi chưa sinh sôi nảy nở và tạo sự cân bằng trong hệ sinh thái. Việc quá tải các chất thải từ cá như phân, nhớt có thể làm quá tải hệ vi sinh và gây ra lượng Amoniac và Nitrit độc hại, gây nguy hiểm cho cá. Dẫn đến việc bạn cần nhiều thời gian hơn để xử lý bể cá của mình.
5.Không kiểm tra chất lượng nước bể cá mới. Bạn không thể biết được liệu chất lượng nước trong bể có thích hợp để thả thêm cá hay không nếu không thực hiện kiểm tra. Cá có sẵn trong bể thường tự điều chỉnh để phù hợp với mức độ tăng dần của các độc tố cho tới khi chúng không chịu nổi và tử vong.
6.Thả quá nhiều cá. Khi mới mua bể cá, bạn có xu hướng mua mọi loại cá mình thấy đẹp và thích. Tuy nhiên, có rất nhiều loài cá không tương thích với nhau, không thích hợp với bố cục setup trong bể hoặc rất hung hãn và sống lãnh thổ, hoặc có thể phát triển rất nhanh về kích thước mà bể của bạn không thể chịu nổi. Vậy nên, đối với một bể cá mới, thả ít vẫn hơn là thả nhiều, và cần nghiên cứu kỹ loại cá mà bạn thả.
7.Cho ăn quá nhiều. Một điều rất bình thường là mọi người đều lo lắng cá của mình bị đói. Tuy nhiên, việc cho ăn quá nhiều gây nên rất nhiều hậu quả. Đối với bể cá mới, bạn chỉ nên cho cá ăn mỗi ngày một lần, mỗi lần chỉ cho lượng thức ăn để cá đủ ăn trong thời gian dưới hai phút.
8.Mua một bộ lọc quá nhỏ. Một cái lọc lớn hơn cho một bể nhỏ luôn tốt hơn rất nhiều một bộ lọc nhỏ hơn cho một bể lớn hơn. Một bể lọc thường được căn cứ vào thể thể tích bể lọc, số lượng ngăn lọc, chất lượng vật liệu lọc sử dụng. Số lượng cá và chủng loại và kích thước cá nuôi trong hồ cũng quyết định việc lựa chọn bể lọc. Hãy chọn bộ lọc lớn hơn so với yêu cầu, điều này sẽ giúp bạn giảm thiểu bảo trì và hao hụt cá sau này.
9.Tìm kiếm thông tin từ quá nhiều nguồn. Thật tốt khi bạn có thể nghiên cứu kỹ về sản phẩm và kỹ thuật nuôi cá khi bắt đầu. Tuy nhiên, đây là một thú chơi, mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau, và từ đó sẽ gây rối loạn cho bạn trong việc lựa chọn. Hãy tìm một nguồn tin bạn tin tưởng và làm theo, ít nhất là cho đến khi bạn đủ tự tin để có thể trải nghiệm nhiều phương án khác nhau.
10.Lựa chọn sản phẩm chất lượng. Câu nói: “tiền nào của ấy” cũng đúng trong lĩnh vực cá cảnh. Việc lựa chọn các sản phẩm không chất lượng sẽ khiến bạn phải tiêu tốn nhiều tiền hơn trong tương lai. Hãy lựa chọn những sản phẩm đắt hơn một chút nhưng chất lượng đảm bảo.
11.Mua sắm bốc đồng. Luôn nghiên cứu kỹ loại cá mới trước khi mua, để đảm bảo chúng tương thích với các loại cá trong bể, tương thích với PH và các thông số khác của môi trường nước trong bể. Hơn nữa, cần cân nhắc kỹ khi mua một loại cá sử dụng thức ăn chuyên dụng.
12.Bật đèn sáng liên tục. Giống như con người, cây thuỷ sinh và cá đều cần thời gian nghỉ ngơi, thời gian này thường phù hợp với thời gian thực trong tự nhiên. Việc bật đèn liên tục cả ngày và đêm khiến cá stress, bể mất cân bằng, rêu tảo phát triển mạnh. Vậy nên mỗi ngày chỉ nên bật đèn tối đa 8-12h. Có thể sử dụng các đèn ánh sáng yếu vào ban đêm nếu bạn dùng luôn làm đèn ngủ.
13.Vệ sinh thay nước quá nhiều. Với Bể cá mới, các kết nối sinh thái đều rất mong manh, việc cọ rửa quá nhiều và thay nước liên tục ảnh hưởng xấu tới hệ vi sinh, mất cân bằng sinh thái. Với hồ nuôi cá, chỉ cần vệ sinh bông lọc, thay nước tối thiểu 1 tuần 1 lần. Bể thuỷ sinh mới setup chưa thả cá có thể thay 2-3 lần 1 tuần trong những tuần đầu tiên.
14.Chỉ bù lượng nước bốc hơi. Việc chỉ bù lượng nước vào bể khi bị thiếu do bốc hơi sẽ khiến độc tố trong bể bị tích tụ rất nhiều, gây hại cho cá, bạn nên thay nước 10% mỗi tuần hoặc 25% mỗi hai tuần.
15.Không đủ chỗ trú ẩn. Một số loài cá cần có chỗ trú ẩn để cảm thấy an toàn và sinh trưởng phát triển bình thường. Bạn có thể thấy rõ việc này khi cá luôn trốn sau sưởi hoặc góc bể tối. Hãy đảm bảo các trỗ trú ẩn phù hợp cho các loại cá khác nhau.
Chúc bạn có một bể cá khoẻ đẹp và duy trì thú chơi này bền vững.

Back to top button