KIẾN THỨC

Bệnh của cá rồng: Các dạng bệnh xù vảy-kênh vảy và cách chữa

Xù vảy hay còn gọi là kênh vảy ở cá rồng là một dạng bệnh đặc trưng và rất hay gặp ở các dòng cá rồng. Dưới đây, Thái Hoà Aquarium sẽ chia sẻ những kiến thức quý báu từ anh Châu Lê – CEO Rayfish Việt Nam về 5 dạng bệnh xù vảy – kênh vảy và cách chữa.

Cách nhận ra cá bị kênh vảy

Cá rồng bị kênh vảy thường có dáng bơi hơi khác thường, bơi vội vàng, giật mình, đuôi vây cụp rúm, càng kép sát thân, không xoè, khi bơi uốn cả người có vẻ rất khó khăn. Nhìn từ đuôi cá nhìn lên sẽ thấy vảy bị hở ra bất thường, không ôm sát vào thân cá. Có trường hợp bị sưng, đỏ chân vảy, nhìn vào số lượng vảy bị kênh và màu sắc chân vảy cùng các biểu hiện đi kèm mà xác định cá bị nặng hay nhẹ và nguyên nhân gây ra bệnh. Từ đó có cách điều trị phù hợp.

Dạng kênh vảy thứ 1: Kênh vảy do nhiệt độ

Nguyên nhân: Vào những lúc giao mùa, nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột, cá thường bị kênh vảy.
Cách chữa: Loại kênh vảy này dễ chữa nhất trong các dạng kênh vảy.

  • Dùng sưởi bể cá tăng nhiệt độ lên 31 độ.
  • Thêm muối hạt 1,5 lạng/100 lít nước.
  • Đánh Pimafix 3-4 ngày liên tiếp là hết. Liều lượng 1 nắp cho 75 lít nước. Thay 30% nước mỗi ngày và đánh lại liều lượng ban đầu. Quý người chơi không có Pimafix có thể đánh Tetracylin 2 viên/100 lít nước.

Dạng kênh vẩy thứ 2: Kênh vảy kèm nấm đen và nấm trắng

Nguyên nhân: Kênh vảy kèm nấm đen hoặc nấm trắng. Trên Lưng hay gáy cá xuất hiện các mảng nấm đen hoặc trắng đồng thời kênh vảy dọc thân. Thường do chất lượng nước xuống cấp, nước nhiễm khuẩn do thức ăn thừa tồn đọng không được loại bỏ kịp thời hoặc do thời tiết thay đổi hoặc do PH hồ thay đổi đột ngột hoặc cũng có thể do loại thuốc nào đó làm thay đổi chất lượng nước bể cá.
Cách chữa: Loại này có thể dùng thuốc tây.

  • Tetracylin 2 viên/100 lít nước
  • Mycogynax 4 viên/100 lít nước (Không có Mycogynax có thể dùng Evaday hoặc Gynoternan).
  • Thay nước mỗi ngày và đánh lại liều lượng như ban đầu.
  • Lưu ý: 2 loại thuốc không nên đánh cùng 1 thời điểm mà nên chia ra. Đánh thuốc này xong thì 2-3 tiếng sau mới thêm thuốc kia vào cho an toàn. Nếu cá bị nhẹ thì chỉ cần đánh mỗi loại 2 viên. Cho cá nhịn ăn hoàn toàn và sục khí thật mạnh. Một đợt điều trị thường kéo dài 6 ngày. Sau khi cá khỏi duy trì nhiệt độ và muối trong 3 ngày tiếp theo rồi giảm dần về mức thông thường.

Dạng kênh vảy thứ 3: Kênh vảy kèm xuất huyết chân vảy

Nguyên nhân: Xù vảy kèm xuất huyết chân vảy. Khi này cá rồng có hiện tượng nhiễm trùng do nhiễm khuẩn từ nguồn nước.
Cách chữa:Loại này anh Châu khuyên nên sử dụng kháng sinh. Có thể dùng Biseptol hoặc Tetracylin.

  • Tetracylin: 2 viên/100 lít nước.
  • Hàng ngày thay 30% nước và bổ sung lại thuốc.
  • Muối 1,5 lạng/100 lít nước. Sưởi 31 độ.
  • Cho cá nhịn ăn 5 ngày đầu. Sau đó cho ăn ít, chỉ bằng 30% khẩu phần bình thường.
  • Sục khí mạnh.
  • Đánh liên thục trong 6 ngày. Sau khi cá khỏi duy trì nhiệt độ và muối trong 3 ngày tiếp theo, sau đó giảm dần về mức thông thường.

Dạng kênh vảy thứ 4: Kênh vảy do ký sinh trùng

Nguyên nhân: Kênh vảy do ký sinh trùng. Cá vẫn ăn uống sung mãn bình thường. Mọi hoạt động bình thường nhưng chỉ có 1-3 vảy bị kênh lên bất thường, không lan rộng ra và cũng không kèm bất cứ triệu chứng nào khác. Thậm chí đánh thuốc cũng không khỏi.
Cách chữa: Đánh thuốc mê, bắt cá ra. Nhỏ bỏ 1 vảy bị kênh nhiều nhất. Dùng dao mổ rạch 1 xíu da ra ta sẽ thấy một con ký sinh trùng màu trắng rất dài nằm bên dưới lớp da (có nhiều con dài tới 15cm). Lấy con ký sinh trùng ra rồi thả lại cá vào hồ. Thêm Melafix cho cá nhanh lành.

Dạng kênh vảy thứ 5: Kênh vảy toàn thân

Nguyên nhân: Cá bị kênh vảy toàn thân, toàn bộ hệ vảy của cá xù lên bất thường, thậm chí xù to như trái thông. Cá bơi lờ đờ, thở gấp, lưng nổi, 2 mắt lồi ra. Hiện tượng này do độc tố trong nước bể cá tăng cao, cá bị nhiễm độc gây tổn hại cơ quan nội tạng, nhất là thận của cá.
Cách chữa: Không được dùng muối trong trường hợp này.

  • Dùng chai Prime khử độc khẩn cấp.
  • Thay nước lần đầu 30% rồi cứ sau 4 tiếng thay 15%. Thay liên tục 7-8 lần cho sạch nguồn nước bể.
  • Sưởi 31 độ, rồi liên lạc tới các anh em có kinh nghiệm để giải quyết tuỳ theo tình trạng thực tế.
  • Lưu ý: Có thể hệ thống lọc là nguyên nhân khiến nguồn nước bị nhiễm độc, nên cần ngắt hệ thống lọc, lấy hết vật liệu lọc ra, thay bông lọc mới và chỉ sử dụng bông lọc cho trường hợp khẩn cấp này.

Cảm ơn anh Châu Lê đã chia sẻ!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button