KIẾN THỨC

Luồng nước tuần hoàn có tác dụng gì đối với bể cá cảnh

Người chơi cá thường nghe tới những khái niệm được chia sẻ như “lưu lượng tuần hoàn từ 4-6 lần hồ trong 1 giờ đối với bể kính”, hay “3 lần hồ trong 1 giờ đối với hồ koi”. Vậy ngoài việc hỗ trợ việc đẩy chất thải vào các điểm hút mặt hút đáy, luồng nước luân chuyển tuần hoàn trong bể còn có những tác dụng vô hình nào, ảnh hưởng tới bể cá cảnh? Thái Hoà Aquarium sẽ giải đáp cùng bạn.

Tăng cường trao đổi khí

Giống như một làn gió mát trong lành trong căn phòng ngột ngạt, luồng nước giúp quá trình trao đổi và hoà tan khí diễn ra mạnh mẽ hơn. Khí CO2 do cá thở và bị lưu cữu lại các vùng nước tù đọng, các khí độc từ chất thải của cá như như NH3, NO2, NO3 bị lưu cữu ở các khu vực tù đọng sẽ được luồng nước luân chuyển qua lọc và các vùng nước khác, giúp vi sinh vật có thể xử lý được tốt hơn hoặc bay hơi qua bề mặt nước. Đồng thời với nó là Oxy hoà tan trong nước cũng được luồng nước đưa đi mọi ngóc ngách trong bể cá. Nhờ có quá trình này, oxy hoà tan đều ở khắp mọi tầng nước trong bể, do đó các loại sinh vật trong bể như tôm cá và các vi sinh vật hữu ích mới có thể sinh trưởng phát triển tốt, tạo nên một hệ sinh thái ổn định và bền vững.

Hỗ trợ hệ thống lọc

Một bể có hệ thống luồng nước tối ưu hơn sẽ cho chất lượng nước tốt hơn với cùng 1 thể tích lọc. Luồng nước tốt giúp vận chuyển nhiều hơn các chất thải vào hệ thống lọc. Quá trình lọc cơ học, hoá học và sinh học đều được hưởng lợi rất nhiều từ sự chuyển động này của nước. Luồng nước giúp cuốn trôi và ngăn các loại cặn thô lắng đọng xuống dưới đáy bể, và dễ dàng bị giữ lại bởi các hệ thống lọc cơ học hoặc hoá học. Lượng Oxy dồi dào được luồng nước cung cấp cũng sẽ giúp hệ thống lọc sinh học hoạt động hiệu quả và mạnh mẽ hơn.

Hơn nữa, trong bể cá nước mặn, luồng nước cũng xúc tiến mạnh hơn quá trình xử lý nước bởi đá sống và san hô vụn dưới đáy bể, rửa trôi các chất thải, các chất nhầy của các loại hải quỳ, san hô.

Tăng cường hoạt động thể chất của cá cảnh

Trong môi trường nuôi nhốt chật hẹp như bể cá, các loại cá cảnh, nhất là cá săn mồi, kích thước lớn, không có nhiều không gian để “tập thể dục” như ngoài tự nhiên. Một bể cá với luồng nước tốt hỗ trợ rất nhiều cho sự sinh trưởng và phát triển của cá cảnh. Chúng có thể bơi ngược luồng nước để tăng cường hoạt động thể chất như việc bơi lội ở các dòng sông, dòng suối ngoài tự nhiên đối với cá nước ngọt, hoặc như sóng biển, hải lưu đối với các loại cá cảnh nước mặn. Việc được vận động nhiều giống như ngoài tự nhiên giúp cá có sức khoẻ tốt, ít bệnh tật, phát triển màu sắc cũng tốt hơn và tự hiên hơn.

Back to top button