Bể thủy sinh Hà Lan truyền thống được coi như là một hoa viên dưới nước nơi mà cây thủy sinh được trồng thành cụm tương hỗ để hình thành một cấu trúc có độ tương phản về màu sắc và hình dạng, cũng như chiều sâu. Vài người so sánh nó với phong cách hoa viên Ăng Lê nhưng những người Hà Lan mà tôi tiếp xúc không hề đưa ra bất kỳ tên gọi hay nguồn gốc ảnh hưởng nào. Với họ, đấy đơn giản chỉ là một cách thể hiện và luôn được thể hiện trong nhiều thập kỷ vừa qua.
Nếu bạn được chứng kiến tận mắt thì sẽ thấy không lẫn vào đâu được. Độ tương phản mạnh mẽ. Màu sắc dịu dàng. Lối mòn khuất dần vào bóng đêm. Đấy là những gì được chắt lọc qua nhiều thế hệ người chơi thủy sinh, những người tham dự vào một tổ chức quốc gia có tên National Bond Aqua-Terra (NBAT), gồm tổng cộng 122 câu lạc bộ địa phương phân bổ trong 15 quận. Mọi người trước tiên dự thi ở cấp câu lạc bộ địa phương. Người chiến thắng ở một trong năm thể loại (hồ thủy sinh – freshwater plant, hồ sinh thái – biotope, bể nước mặn – saltwater, bể cạn & bán cạn – paludarium & terrarium, ao vườn – pond) sẽ được dự thi ở cấp quận cùng với những người chiến thắng ở các câu lạc bộ khác. Những người chiến thắng cấp quận sẽ dự thi cùng với nhau ở cấp quốc gia. Ở mỗi cấp, một trọng tài sẽ viếng thăm nhà riêng của mỗi ứng viên để chấm điểm bể dự thi.
Đây là một ngành kinh doanh nghiêm túc! Để trở thành trọng tài của NBAT, bạn phải hoàn tất một bài kiểm tra và trải qua ba năm huấn luyện!
Kỹ thuật bố cục
Có một số nguyên tắc cơ bản trong việc thiết lập bố cục bể thủy sinh Hà Lan:
1) Nhất định phải tạo ra cảm giác hài hòa và mộc mạc, vì lý do này, trong mỗi đoạn 10 cm chiều rộng bể không được có quá 4 loài cây. Kèm theo điều này, các bụi cây phải tách bạch và không được quá lấn lướt.
2) Tương tự như các họa sĩ, người Hà Lan áp dụng nguyên tắc chia 3. Họ chia chiều rộngbể ra làm 3 phần và đặt một tiêu điểm chính (chẳng hạn một cây màu đỏ, một cây to, một ít lũa hay đá) tại vị trí một phần ba hay hai phần ba. Và không bao giờ được đặt tiêu điểm vào ngay điểm chết nằm chính giữa!
3) Nhất định phải đa dạng về màu sắc, cấu trúc lá và chiều cao, bằng không, bạn sẽ kết thúc với một bức tường đơn điệu gồm những cây giống hệt nhau chạy dọc theo chiều rộng bể.
Để nhấn mạnh đến độ tương phản, hãy tạo không gian trống giữa những bụi cây và hàng cây cao dần lên (chúng được gọi là “con đường” hay “lối mòn”) nhằm gia tăng chiều sâu. Việc tạo ra những “khe hở” (những bụi cây rời rạc, hay bụi cây có khoảng trống giữa các lá cho phép bạn nhìn thấy phần hậu cảnh ở phía sau) cũng gia tăng cảm giác về chiều sâu. Mặc dù màu sắc và độ tương phản rất quan trọng nhưng nếu áp dụng thái quá thì có thể làm rối mắt và lấy đi cảm giác cân bằng và nhất quán.
4) Bể thủy sinh Hà Lan không có nhiều khoảng trống. Tối thiểu 80 phần trăm nền hồ phải được trồng cây thủy sinh.
Con đường Hà Lan
Rất nhiều loài cây truyền thống có thể được dùng vào mục đích đặc biệt này. “Con đường” Hà Lan là mảng cây mọc thấp được bố trí dưới một góc nhìn và cao dần lên về một bên nhằm tạo ra chiều sâu. Saurus cernuus và Lobelia cardinalis là những loài thường được sử dụng nhất. Khi cây mọc quá cao, chúng đơn giản được thay bằng cây khác thấp hơn.
Một số người thậm chí còn có bể ươm riêng những loài này ở nhiều kích thước chiều cao để dùng đến khi cần. Những năm gần đây, một phiên bản nhỏ hơn của loài Lobelia cardinalis đã xuất hiện ngoài thị trường.
Bụi cây
Hồ liễu lá hẹp Hygrophila corymbosa cũng như Limnophila aquatica thường được sử dụng làm bố cục trong hàng thập kỷ qua. Chúng là những loài cắt cắm cỡ lớn (large-stem plant) tạo ra hiệu ứng thị giác mạnh và mọc nhanh. Bằng việc thường xuyên tỉa cành khi chúng mọc quá cao và trồng lại, chúng vẫn mạnh khỏe và rậm rạp, và luôn duy trì được hình ảnh mong muốn.
Những loài tiêu thảo Cryptocoryne spp. nhỏ chẳng hạn như wendtii, becketti, lucens, lutea và walkeri thường được trồng thành bụi và hàng từ tiền đến trung cảnh. Màu sậm như đất của chúng đem lại sự tương phản thích hợp và một khi được trồng, chúng không đòi hỏi phải chăm sóc gì trong nhiều năm trời.
Để tạo màu sắc nổi bật, huyết tâm lan Alternanthera reineckii, Ammania và vảy ốc Rotala là những loài luôn được ưa chuộng. Ludwigias và Eusteralis stellata (aka Pogostemon stellatus) đôi khi cũng được sử dụng.
Những loài tạo tiêu điểm khác có thể là cây lá kiếm (swordplant), sen hổ (tiger lotus), Aponogetons và những cây lá to đứng riêng rẽ. Hiếm khi nào bạn thấy có nhiều hơn một cây lớn xuất hiện trong bể thủy sinh Hà Lan.
Java moss thường được sử dụng để tạo tông màu tối giữa những bụi cây và đôi khi đóng vai trò như một tiêu điểm thực sự bên trên một khúc lũa.
Tiền cảnh bể thủy sinh Hà Lan rất tinh tế. Nó phải gọn gàng, ngăn nắp và hòa nhập với hậu cảnh. Nó có thể gồm những bụi cây tương phản nhưng phải khác loài và không bao giờ được trồng lẫn lộn trong một bụi. Đôi khi bụi cây tiền cảnh trở thành hay hòa nhập vào một con đường dốc lên. Những loài lá cỏ cỡ nhỏ như Echinodorus tenellus thường được trồng cạnh với nhóm tiêu thảo Cryptocorynes và con đường.
Cây mới
Những loài cây mới bắt đầu xuất hiện trong các kiểu bố cục truyền thống.
Tôi ngạc nhiên khi thấy loài Pogostemon helferi trong hồ của bậc thầy Hà Lan Fred van Wezel. Loài cây này mới được phát hiện ở Thái Lan vài năm trước đây, nơi chúng được gọi là Dou noi, nghĩa là “sao nhỏ”. Nó có dạng lá khá độc đáo và khi được trồng thành bụi thì sẽ tạo ra một tiền cảnh thú vị. Dưới nguồn sáng mạnh, loài cây này bò sát và không nảy thân bò với cây con. Dưới nguồn ánh sáng yếu, nó sẽ mọc cao hơn.
Ngoài môi trường tự nhiên, cây mọc trong nền đất sét giàu sắt và carbonat can-xi, điều khiến chúng trở nên lý tưởng đối với bể thủy sinh và không gây rắc rối cho người chơi thủy sinh. Cây sao nhỏ Pogostemon helferi hiện chỉ mới bắt đầu xuất hiện ở Mỹ.
Đắp bờ
Đắp bờ (terracing) là một phần của bể thủy sinh Hà Lan nhưng được thực hiện theo một nguyên tắc đơn giản. Ở đa số vị trí, nền thường được nâng lên chỉ bằng cách sử dụng lũa. Cây cũng được ghép vào lũa chỉ với mục đích tạo ra ảo giác của một nền dốc lên.
Trong những bố cục công phu hơn, bức tường cây được trồng dọc theo mặt kiếng trên những tấm gỗ bần hay thậm chí vỏ bần (corkbark). Bờ được tạo ra với một mục đích đặc biệt là gia tăng chiều sâu và gắn liền với một góc nhìn hay “con đường”.
Mỗi người chơi bể thủy sinh Hà Lan giỏi sẽ đem lại cho khán giả một phối cảnh riêng phụ thuộc vào vị trí quan sát của họ: bên trái, bên phải hay chính giữa.
Dụng cụ
Ở Mỹ, “Bể thủy sinh Hà Lan” là một cách diễn tả mà nó có nghĩa rằng: một bể thủy sinh không có bộ lọc, ánh sáng dịu hay tự nhiên và không có hay có rất ít thiết bị phụ trợ. Tôi không rõ cách hiểu này bắt nguồn từ đâu. Điều đó có thể đúng vào thế kỷ trước nhưng hiện giờ thì không.
Người chơi thủy sinh ở Hà Lan cũng sử dụng thiết bị giống như chúng ta. Lượng chiếu sáng có thể không mạnh bằng những hồ cao cấp ở Mỹ và đèn huỳnh quang thường được sử dụng, nhưng bộ lọc thùng là hệ thống lọc phổ biến nhất và CO2 được phun ở tầm từ 15 đến 20 ppm. Nền đất sét hay laterite được sử dụng và phân bón chứa sắt và khoáng chất được bổ sung một cách thường xuyên. Một số người tự trộn phân nước để dùng riêng, trong khi những người khác sử dụng các sản phẩm thương mại.
Một bậc thầy Hà Lan
Willem van Wezel là một trong số những bậc thầy đáng kính của nghệ thuật truyền thống này mà tôi may mắn được tiếp chuyện. Van Wezel đã 58 tuổi và bắt đầu dự thi từ năm lên 18 tuổi. Ông từng đoạt một loạt chức vô địch cấp câu lạc bộ, một vài chức vô địch quận và hai lần đoạt hạng nhì ở giải quốc gia. Anh trai và hai người bác đã hướng dẫn ông, nhưng ông nhanh chóng tự phát triển phong cách riêng của mình. Và ông đã truyền nghệ thuật truyền thống này cho người con trai 33 tuổi tên Fred, người đoạt giải vô địch tại câu lạc bộ của mình sau 4 năm theo đuổi thú chơi.
Van Wezel là thành viên tích cực trên một diễn đàn Hà Lan có tên “Veni Vidi Vissie”, nơi ông cố gắng giúp đỡ những người trẻ tuổi có niềm đam mê với thú chơi. Ông cũng viết bài cho một tạp chí Hà Lan, The Aquarium.
Tương lai
Tương lai của nghệ thuật bố cục truyền thống Hà Lan sẽ ra sao? Đa phần thí sinh dự thi hiện nay đều đã trên 50 tuổi. Theo Willem và những người khác mà tôi trao đổi, thế hệ trẻ không có đủ kiên nhẫn và thời gian để duy trì những bể thủy sinh kiểu này. Trên thực tế, một bậc thầy nói với tôi rằng nếu một người muốn theo đuổi nghệ thuật truyền thống này, họ không thể trở thành cao thủ sau vài thập kỷ đầu tiên! Ngày nay, những người trẻ tuổi dường như không thể đợi nổi vài tháng, nói chi đến vài thập kỷ.
Dẫu vậy, Willem van Wezel cũng chẳng mấy băn khoăn. Ông đang có quá nhiều niềm vui. “Tôi thay đổi trình bày (layout) khoảng bốn, năm lần mỗi năm. Tôi thực sự thích thay đổi trình bày bởi vì đấy là cách rèn luyện rất tốt để tham dự các cuộc thi. Làm việc với bể thủy sinh giúp tôi thư giãn”.
“Trình bày đẹp nhất mà bạn tạo ra là trình bày mà bạn cảm thấy hài lòng nhất. Tôi chính là người chiêm ngưỡng nó quanh năm suốt tháng, do đó người cần được thỏa mãn nhất chính là tôi”.